hinh anh

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

"Thanh" và "tục" của thầy trên bục giảng

Cộng đồng mạng đang lan truyền clip bài giảng của TS Lê Thẩm Dương (Trường Đại học Ngân hàng TPHCM) tại Viện Quản trị Kinh doanh của FPT sử dụng ngôn ngữ quá "tự nhiên" thậm chí văng tục. Dư luận cho rằng, người thầy đứng trên bục giảng, ngôn ngữ phải chuẩn mực, lại có người cho rằng như thế tiết học sẽ đỡ... buồn ngủ hơn!

TS Lê Thẩm Dương.
TS Lê Thẩm Dương.

"Thanh" và "tục" cần đúng chỗ

ThS Tâm lý học Nguyễn Công Trứ (Giảng viên Trường Đại học Văn Lang TPHCM) nói: Gần 50 năm đứng trên giảng đường cũng như được học nhiều từ lớp thầy cô đi trước, tôi thấy việc làm cho bài giảng trở nên cuốn hút thì có nhiều cách chứ không phải cứ nói năng tự nhiên quá, thậm chí văng tục mới là sinh động. Tôi hoàn toàn không tán thành phương pháp này, dù đó là buổi nói chuyện hay một giờ giảng...
Ông bà xưa đã dạy "Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy" không phải là nói về ăn mặc, mà còn dạy bảo chúng ta tùy từng hoàn cảnh để ứng xử cho đúng. Việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt còn ở chỗ sử dụng tiếng Việt phải chọn lọc đưa vào môi trường cho phù hợp. Có nhiều thứ ngôn ngữ bác học, bình dân rồi cũng có thứ ngôn ngữ chợ búa, giang hồ, nhưng không dùng chung cho cho mọi hoàn cảnh. Dân gian có cả kho rừng cười, trong đó cũng có những câu châm ngôn, mẩu chuyện thâm thúy theo kiểu "đố tục giảng thanh" hay "nói thanh giảng tục" khá thú vị. Vấn đề là dùng đúng lúc, đúng chỗ. 

Bài giảng cuốn hút nhưng phải giữ chuẩn mực

PGS.TS Nguyễn Lê Ninh (Trường Đại học Bách Khoa TPHCM) cho hay: Cảm giác đầu tiên của tôi là hơi ngạc nhiên. Từ ngạc nhiên đi đến sự tò mò muốn xem lại cho rõ. Tiếp đó là nỗi buồn và thất vọng dần dần xâm lấn tâm hồn.
Tôi phải tự suy ngẫm và tự trả lời: "Đó chỉ có thể là mặt trái của nền giáo dục". Điều này thể hiện ít nhất ra ở hai khía cạnh: Thứ nhất, giảng viên giảng bài "tự phát" tuỳ hứng. Thứ hai, cá nhân từng học sinh, sinh viên không phải ai cũng nhận ra mục tiêu học tập cho mình. Họ đến lớp để làm gì? Nếu họ "bị đi học" thì dễ buồn ngủ là điều đương nhiên. Còn những người thực sự có nhu cầu nhặt nhạnh kiến thức thì họ tự giác, vui vẻ đến lớp và chú ý lắng nghe, chủ động nghe. Còn việc nhiều người than buồn ngủ khi nghe giảng trên lớp phản ảnh yếu kém của cả thầy và trò trong giáo dục hiện nay.
Để tránh buồn ngủ cho người nghe, người thầy không thiếu gì cách cuốn hút mà vẫn giữ được chuẩn mực.

Chọn lọc hơn khi sử dụng ngôn ngữ trên giảng đường

Theo ThS Nguyễn Thị Kim Dung (Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM): Đứng ở vị trí là một sinh viên, có thể sẽ hơi ngại ngần vì cách dùng từ của TS Dương hơi "bạo", nó chưa mang tính chuẩn mực về ngôn ngữ sư phạm, nhưng nếu là một doanh nhân đi tiếp thu thêm kiến thức thì bài nói chuyện có cảm giác ấn tượng.
Riêng bản thân tôi cũng làm trong môi trường sư phạm, tôi có thể thông cảm với biểu hiện của TS Dương. Mục tiêu cuối cùng của thầy vẫn là mang lại một không khí học tập thoải mái, sinh động, hiệu quả cao. Tuy nhiên, có thể có chút góp ý, tùy vào đối tượng giảng dạy, thầy Dương nên áp dụng những từ ngữ mang tính thực tiễn ở mức độ khác nhau, phải bỏ đi những từ ngữ nói đời thường mang tính "tục".
Mỗi một giảng viên đều mong để lại ấn tượng với sinh viên, học viên thông qua bài giảng của mình. Tôi cho rằng, người thầy không chỉ để lại ấn tượng thông qua kiến thức truyền tải mà có khi còn từ cách thể hiện dí dỏm của mình, nhưng việc sử dụng ngôn ngữ cần chọn lọc hơn.    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét